XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỈNH BÌNH THUẬN NĂM 2019: KỲ VỌNG VÀO SỰ BỨT PHÁ VỀ HẠ TẦNG VÀ CÁC DỰ ÁN DU LỊCH CAO
Ngày 22/9, tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2019 với mục tiêu thu hút các dự án đầu tư, cũng như giới thiệu tiềm năng và thế mạnh của Bình Thuận với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Sau Hội nghị xúc tiến đầu tư của tình Bình Thuận năm 2017, đến nay Bình Thuận đã đạt được những bước tiến quan trọng trong phát triển kinh tế và đầu tư. Theo đó, GRDP bình quân đầu người năm 2018 là 2.251 USD, tăng 13,75% so với năm 2017. Trong 06 tháng đầu năm 2019 tiếp tục phát triển ổn định, đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ năm trước, đáng chú ý là: Kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá, GRDP ước tăng 8,46%.
Trong năm 2018, lượng khách đến du lịch tại tỉnh đạt khoảng 5.752.110 lượt người, tăng 12,08% so với năm 2017. Tổng thu từ khách du lịch đạt 12.864 tỷ đồng, tăng 18,98% so với năm 2017.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận đầu tư cho 264 dự án với tổng số vốn đăng ký là 53.031 tỷ đồng.
Để đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, sân bay Phan Thiết được nâng cấp quy mô từ cấp 4C lên cấp 4E, kéo dài đường cất hạ cánh từ 2.400 m lên 3.050 m; công suất thiết kế 2.000.000 hành khách/năm, chi phí đầu tư 11.000 tỷ đồng. Hàng loạt dự án giao thông lớn cũng được khởi động đầu tư như cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Phan Thiết – Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo – Cam Lâm dự kiến sẽ sớm được giao mặt bằng và khởi công sớm vào cuối năm 2019...
Bên cạnh đó, nhằm tạo đà phát triển lĩnh vực trụ cột là du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 1772/QĐ-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2018.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2019 được tổ chức tới đây nằm mời gọi trực tiếp các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, có uy tín và năng lực cao đầu tư vào các dự án trọng điểm, có giá trị tích cực lan tỏa cao trong tỉnh; phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và góp phần thúc đẩy phát triển các khu vực đô thị trong tỉnh. Và cũng là cơ hội để tỉnh gặp gỡ, đối thoại với các tổ chức, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước; xúc tiến quảng bá các tiềm năng đầu tư tại tỉnh Bình Thuận; cơ hội để các nhà đầu tư chiến lược chia sẻ tầm nhìn và các kinh nghiệm đầu tư tại một số địa phương có các điều kiện tương đồng với tỉnh.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, tỉnh Bình Thuận chú trọng kêu gọi đầu tư vào 3 lĩnh vực cốt lõi:
Du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, thương mại, khu đô thị, khu dân cư:
Du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi của tỉnh Bình Thuận. Thông qua Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2019, tỉnh Bình Thuận sẽ hiện thực hóa Quyết định số 1772/QĐ-TTg về việc quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Tập trung kêu gọi các dự án du lịch cao cấp, các khu vui chơi – giải trí cao cấp, các dự án thương mại, đô thị, khu dân cư. Ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển trung tâm du lịch – thể thao biển mang tầm quốc gia. Xây dựng gắn kết giữa quy hoạch phát triển du lịch và phát triển đô thị biển, hạ tầng đô thị kết hợp du lịch. Phát triển thương hiệu du lịch "Hàm Tiến - Mũi Né" là điểm đến ưa chuộng của nhiều du khách quốc tế.
Thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ để phát triển tỉnh Bình Thuận thành một điểm đến hấp dẫn, tạo ra các địa điểm vui chơi, giải trí phục vụ ngành du lịch để có cơ sở tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch đến tỉnh.
Ưu tiên kêu gọi các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại huyện đảo Phú Quý đảm bảo các tiêu chí về thân thiện môi trường, bảo tồn hệ sinh thái biển đảo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển cho toàn tỉnh. Kêu gọi đầu tư các dự án dịch vụ du lịch, đặc biệt là các hoạt động dịch vụ, kinh doanh hỗ trợ trong lĩnh vực du lịch vào ban đêm, nhằm thúc đẩy kinh tế ban đêm của địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 6433/VPCP-QHĐP ngày 19/7/2019.
Trong lĩnh vực này, hiện nay Bình Thuận đang có nhiều tập đoàn lớn đang xem là địa bàn chiến lược để đầu tư. Đáng chú ý như Dự án Tổ hợp Du lịch Nghỉ dưỡng Giải trí NovaWorld Phan Thiet với quy mô gần 1.000ha của Tập đoàn Novaland. Đây là dự án được phát triển theo mô hình vui chơi giải trí, thể thao biển kết hợp với các sản phẩm ngôi nhà thứ hai (Second home) như biệt thự, nhà phố, shophouse...
NovaWorld Phan Thiet đang được Novaland xây dựng hạ tầng với kỳ vọng trở thành một tổ hợp vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, thể thao biển của khu vực với rất nhiều hạng mục lớn như khu thể thao phức hợp 220ha, sân golf 36 lỗ, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại, công viên biển 16ha trải dài 7km bờ biển Phan Thiết...góp phần đưa nơi đây trở thành trung tâm nghỉ dưỡng giải trí, thể thao biển của khu vực châu Á.
Novaland cũng đang đầu tư một dự án khác ở Mũi Né (Bình Thuận) là NovaHills. Hàng loạt doanh nghiệp BĐS lớn khác cũng đã tìm đến Bình Thuận để đầu tư như dự án Mũi Né Summerland Resort của Hưng Lộc Phát, dự án Thanh Long Bay của Nam Group, và hàng loạt tên tuổi khác như FLC, TMS, Công ty Nông thị Dubai Việt Nam…
Công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo:
Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đang đóng góp khoảng 31% vào GRDP của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh Bình Thuận được quy hoạch là trung tâm năng lượng quốc gia với tổng công suất trên 12.000 MW vào năm 2020. Năm 2018, tổng sản lượng điện của toàn tỉnh đạt khoảng 13.565 triệu KW, tăng 40% so với năm 2017.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 108 dự án năng lượng tái tạo đăng ký đầu tư (88 dự án điện mặt trời và 20 dự án điện gió) với tổng công suất khoảng 6.858 MWp và tổng vốn đầu tư là 175.906 tỷ đồng. Trong đó, đã có 39 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư (26 dự án điện mặt trời và 13 dự án điện gió) với tổng công suất 1.832 MWp và tổng vốn đầu tư là 59.000 tỷ đồng.
Nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu:
Tỉnh Bình Thuận có nguồn tài nguyên nông nghiệp (đất, nước, khí hậu thời tiết) khá đa dạng, có lợi thế nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của các loại nông sản (thanh long, giống thủy sản, thủy sản nước lạnh, cây dược liệu…).
Lĩnh nông-lâm-thủy sản nghiệp đóng góp khoảng 28% vào GRDP, giải quyết việc làm hơn 60% lực lượng lao động của địa phương. Thời gian qua Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm chỉ đạo ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, đã hình thành nhiều mô hình, vùng nông nghiệp ứng dụng cộng nghệ cao (vùng thanh long an toàn, sản xuất giống lúa mới, giống vật nuôi, vùng rau an toàn, tôm giống, vùng sản xuất thịt lợn an toàn dịch bệnh,…), nuôi gà đẻ trứng công nghệ cao, góp phần phát triển bền vững nông nghiệp của tỉnh.