NHỮNG DỰ ÁN GIAO THÔNG ĐANG TẠO CÚ HÍCH MẠNH MẼ CHO THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN VEN BIỂN BÌNH THUẬN
Nhiều nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng đã trở lại vùng biển Mũi Né - Kê Gà, nhiều dự án khu du lịch, resort đang xây dựng, một số cơ sở đã khởi sắc, các nhà đầu tư đang sốt ruột chờ cơ hội mới khi có sân bay Phan Thiết, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và tuyến đường ven biển dài gần 50km kéo dài từ Mũi Né đến Kê Gà - Hòn Lan.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, giao thông đối ngoại được xem là “đòn bẩy” quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, nhất là lĩnh vực du lịch và dịch vụ đang trở thành thế mạnh trong thu hút đầu tư. Bởi thế các dự án trọng điểm đã và đang được Trung ương, tỉnh xúc tiến đầu tư xây dựng. Đặc biệt tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua Bình Thuận giải quyết bức xúc giao thông đối ngoại quan trọng của tỉnh.
Dự án quy mô khá lớn này sẽ thi công một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam (phía đông qua địa bàn Bình Thuận) có chiều dài hơn 160 km, tổng mức đầu tư 39.660 tỷ đồng. Bao gồm 3 dự án thành phần đi qua địa bàn tỉnh như đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 12 km, Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 100 km, Phan Thiết - Dầu Giây gần 48 km. Toàn tuyến trải dài qua 29 xã, thị trấn thuộc 5 huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân với tổng diện tích giải phóng mặt bằng hơn 1.179 ha…
Đến nay, Bình Thuận đã chủ động phối hợp các ban quản lý dự án triển khai quyết liệt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Cụ thể tuyến cao tốc Nha Trang - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây nằm trong dự án trên đã giải phóng mặt bằng được hơn 46%. Trong năm nay, dự kiến tỉnh sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư để sớm khởi công dự án vào cuối năm tới.
Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bình Thuận, Ban Quản lý dự án 85 và Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải) đã tiến hành mở sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện 3 dự án thành phần (đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông để xúc tiến thi công theo kế hoạch đề ra. Sau khi hoàn thành tuyến đường bộ này sẽ kết nối cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, sân bay Long Thành và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ.
Cùng với tuyến đường cao tốc trên, trước đó sân bay Phan Thiết đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 236/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trong cả nước.
Theo điều chỉnh này, sân bay Phan Thiết được nâng cấp quy mô từ cấp 4C lên cấp 4E, kéo dài đường cất hạ cánh từ 2.400 m lên 3.050 m; công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm, tổng chi phí đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng; phù hợp quy hoạch định hướng lâu dài, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành hàng không dân dụng, nhiệm vụ quốc phòng.
Được biết, khi địa danh Mũi Né, TP. Phan Thiết và vùng lân cận vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khu du lịch quốc gia Mũi Né, hình thành trung tâm du lịch thể thao biển, thêm nhiều tiềm năng khai thác một số chuyến bay tầm xa trong tương lai gần khi sân bay Phan Thiết hình thành.
Song song đó, Bình Thuận đã đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung các dự án đầu tư hạ tầng giao thông vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Cụ thể gồm có dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 28B Bình Thuận - Lâm Đồng, kết nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 20 tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây nguyên. Tiếp nữa là dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 55 Bình Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu (đoạn km 52+640 đến km 97+692) nhằm kết nối giao thông giữa Bình Thuận với khu vực Đông Nam bộ và các tỉnh Tây Nguyên.
Mới đây, tin từ HĐND tỉnh Bình Thuận cho biết HĐND tỉnh khóa X vừa có Nghị quyết gởi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các Bộ KH&ĐT, Tài chính, GTVT về chủ trương đầu tư dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện, tỉnh Bình Thuận và làm mới trục đường ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà.
Đường ĐT.719 có tổng chiều dài khoảng 32,5 km; chiều rộng nền đường 9 m, chiều rộng mặt đường 8 m, chiều rộng lề đường mỗi bên 0,5 m. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 600 tỷ đồng. Nguồn vốn đề nghị thẩm định từ vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách tỉnh.
Còn đường ĐT.719B có chiều dài khoảng 25 km. Chiều rộng nền đường 28 m, chiều rộng mặt đường 16 m, dải phân cách giữa 11 m, chiều rộng lề đất mỗi bên 0,5 m. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án gần 1.000 tỷ đồng. Dự kiến cả hai tuyến đường đến năm 2022 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.